Bộ Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ địa phương thu hút các nguồn lực

Cập nhật: 10:38 | 19/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đơn vị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực thu hút các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế  - xã hội.

Bộ Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ địa phương thu hút các nguồn lực
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP

Hội nghị diễn ra chiều ngày 18/8 tại thành phố Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhân dịp các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương những kết quả kinh tế xã hội mà Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại thu hút nguồn lực về phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh.

Đồng tình với những đề xuất cụ thể của tỉnh đối với Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan của Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực đầu tư về Quảng Ninh.

Về du lịch, Phó Thủ tướng đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự tại các địa bàn mà tỉnh đề nghị tiếp tục hỗ trợ trong tư vấn thâm nhập thị trường, tìm kiếm đối tác mới, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch cho tỉnh.

Về nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao… các Trưởng cơ quan đại diện sẽ làm việc với các Sở/ban/ngành của tỉnh, giới thiệu cụ thể đến từng đối tác tại các thị trường tiềm năng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với nguồn vốn ODA không còn ưu đãi như trước đây, việc xem xét thu hút các nguồn vốn khác, trong đó có các Quỹ đầu tư ở khu vực Trung Đông cũng là nguồn lực cần chú ý khai thác, đặc biệt là thu hút đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng , tương đối phù hợp với nhu cầu của tỉnh Quảng Ninh.

Cũng liên quan đến vấn đề du lịch, trong đó có vấn đề di sản, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng đề nghị Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Việt Nam cần làm việc cụ thể với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trong vấn đề giữ gìn, bảo tồn di sản. Các bên sẽ cùng nhau phối hợp, hợp tác tính toán kỹ các yêu cầu đặt ra.

Về các đề xuất của tỉnh trong vấn đề biên giới, lãnh thổ và kinh tế biên mậu, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ trong thủ tục, linh hoạt kéo dài thời gian mở cửa khẩu, cũng như các vấn đề khác liên quan đến cửa khẩu, lối mở biên giới…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đồng hành cùng với Quảng Ninh trong thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa, phù hợp với định hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh.

Hội nhập hỗ trợ phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong quá trình hội nhập, Quảng Ninh luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy hội nhập quốc tế đã mang lại cho tỉnh nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế.

Đặc biệt, thông qua hội nhập, tiềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh được nâng lên rõ rệt, văn hóa xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được củng cố, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo được giữ vững... Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, hiệu quả, thiết thực góp phần đưa quan hệ của tỉnh với các đối tác đi vào chiều sâu, dần giúp Quảng Ninh khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Kết quả cụ thể qua 3 năm trở lại đây cho thấy, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 10-10,5%/năm. Tỉnh cũng đã có chiến lược quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đúng hướng, hiệu quả…

Về hợp tác đối ngoại thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh đã ký kết 27 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các địa phương các nước và vùng lãnh thổ. Các nội dung ký kết phù hợp với nhu cầu hợp tác của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và đạt hiệu quả cao về thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu hữu nghị.

Hiện Quảng Ninh có 120 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký đạt trên 6,23 tỷ USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định và phát triển, giúp Quảng Ninh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ… Các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh luôn tăng trưởng cao, thu hút khách du lịch phát triển qua từng năm…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc khẳng định, có được các thành quả trên một phần là nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Bộ đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác, địa phương quốc tế.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các chương trình đối ngoại, kế hoạch triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề liên quan.

Bộ cũng tích cực triển khai công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế cho địa phương, tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ quốc tế của địa phương và hỗ trợ xử lý các vấn đề trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Bộ cũng đã hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động tại các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nói chung, địa phương nói riêng tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại với các đối tác nước ngoài.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh mong muốn các cơ quan của Bộ, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ để tỉnh có nhiều cơ hội tiếp cận, thu hút đầu tư vốn FDI, tiếp cận hơn nữa các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho tỉnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương tới doanh nghiệp, địa phương các nước, hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư đến Quảng Ninh tìm hiểu cơ hội đầu tư…

Tỉnh cũng mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ trong việc kết nối địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước sở tại. Đặc biệt, Quảng Ninh mong muốn thu hút các đối tác có tiềm năng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, du lịch, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Với nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh mong muốn được tiếp cận với các đối tác đến từ các nền nông nghiệp chế biến tiên tiến như Nhật Bản, Israel, Đài Loan (Trung Quốc)…

Về du lịch, tỉnh mong muốn thu hút thêm các khách du lịch tại các địa bàn Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu… và mở rộng phát triển với các đối tác mới, hỗ trợ trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch. Là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Quảng Ninh cũng mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong công tác kinh tế biên mậu, trong đó có việc linh hoạt kéo dài thời gian mở cửa khẩu, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.

Cũng tại Hội nghị, các vị Trưởng cơ quan đại diện đã thông tin cơ bản về những địa bàn mà Quảng Ninh quan tâm cũng như giải đáp một số yêu cầu hợp tác mà tỉnh mong muốn với các đối tác liên quan.

Hải Minh

Theo baochinhphu.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm