“Bản lĩnh” – Chìa khóa thành công trong kinh doanh

Cập nhật: 07:29 | 26/11/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trong cuộc sống, nếu muốn trở thành người mạnh mẽ và đạt được thành công, chúng ta phải có bản lĩnh. Có những người sống thiên về cảm xúc nhưng cũng có những người sống thiên về lý trí. Do đó, muốn thành công phải trở thành một người bản lĩnh.  

Vậy theo bạn, thế nào là BẢN LĨNH?

Khi nhắc đến bản lĩnh, điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới đó là “dám nghĩ dám làm”, “dám làm dám chịu”, “dám đối diện với sự thật, với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”,… Và hơn hết, bản lĩnh là sự can đảm, dám bỏ qua mọi thứ không cần thiết để thay đổi bản thân mình.

Rèn luyện bản lĩnh trong kinh doanh là vấn đề mà bất cứ người nào muốn trở thành chủ cũng cần phải học. Không phải ngẫu nhiên mà sự nghiệp của bạn nếu không có yếu tố tài năng và bản lĩnh rất ít có sự may mắn ở đây. Hơn nữa rèn luyện bản lĩnh không chỉ giúp cho việc kinh doanh của bạn thành công mà còn giúp cho mọi điều trong cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Dưới đây là 9 cách rèn luyện bản lĩnh trong kinh doanh giúp thành công:

1. Không đổ thừa

Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia giải quyết vấn đề, muốn làm chủ được cuộc sống của mình bất chấp mọi hoàn cảnh, điều đầu tiên bạn phải làm chính là chịu trách nhiệm 100% cho mọi lời mình nói, mọi điều mình làm, cũng như mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời bạn kể từ giờ phút này.

ban linh chia khoa thanh cong trong kinh doanh
“Bản lĩnh” – Chìa khóa thành công trong kinh doanh (Ảnh minh họa)

Thừa nhận trách nhiệm bản thân và chủ động đối mặt với vấn đề. Không ai khác có thể giữ cho tinh thần bạn lạc quan và tập trung tốt hơn chính bản thân bạn. Hãy làm điều này bằng cách tự nhắc nhở bản thân mình bằng cách lặp đi lặp lại lời tuyên bố sau:

“Tôi có trách nhiệm với cuộc sống của mình;

Tôi chịu trách nhiệm cho cuộc đời tôi.”

Quan trọng hơn hết thảy, bạn không-được đổ thừa cho hoàn cảnh hay bất kỳ ai khác. Mọi sự giận dữ và cảm xúc tiêu cực trên đời của con người đều do thói đổ lỗi đổ thừa mà ra. Chỉ cần bạn ngừng ngay việc đổ mọi tội lỗi và trách nhiệm lên người khác vì những gì đã xảy ra và chịu trách nhiệm cho tương lai của mình, các cảm xúc tiêu cực rồi sẽ tan biến, tâm trí bạn sẽ thông suốt và bình tĩnh. Và bạn sẽ lấy lại được khả năng ra quyết định chính xác hơn.

2. Giữ bình tĩnh trước áp lực

Bước đầu tiên để bạn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống chính là không được phản ứng một cách bản năng hoặc thiếu suy nghĩ. Thay vào đó, hãy hít thở thật sâu để làm dịu tâm trí, suy nghĩ cẩn thận về những lời nói mình sắp thốt ra, hoặc hành động kế tiếp mình sắp làm. Hãy tưởng tượng rằng cả thế giới này đang theo dõi bạn.

Mọi người đang nhìn bạn đấy. Hãy cứ xem mọi chuyện xảy ra trong đời mình là những bài kiểm tra năng lực của bạn, xem bạn bản lĩnh đến đâu. Hãy xem như cả thiên hạ này đang dõi theo bạn, hồi hộp “hóng hớt” xem bạn sẽ phản ứng như thế nào và làm điều gì kế tiếp.

Hãy tự nhắc nhở bản thân mình phải luôn làm gương, là hình mẫu để người khác học hỏi, là ví dụ sống cho họ thấy đâu là điều đúng nên làm, như thể bạn đang truyền đạt bài học cuộc sống qua mỗi thử thách mình đối mặt.

3. Ngẫm nghĩ vấn đề

Thay vì phản ứng bốc đồng, bạn có thể giữ bình tĩnh bằng cách đặt câu hỏi với những người khác có liên quan. Hãy lắng nghe câu trả lời của họ một cách thiện chí và có tiếp thu.

Nếu đó là một vấn đề có thể giải quyết được, bạn hãy tìm ra phương án đó bằng cách thực sự thấu hiểu điều gì đã xảy ra trước khi quyết định phản ứng lại với nó.

4. Đặt câu hỏi với bản thân

Hãy đặt ra những câu hỏi trọng tâm và xác định câu trả lời một cách cẩn thận. Sau đây là vài câu hỏi gợi ý mà bạn có thể đặt ra cho mình khi gặp phải vấn đề ngoài dự kiến:

– Vấn đề thực sự là gì?

– Điều gì vừa xảy ra?

– Nó đã xảy ra như thế nào?

– Nó xảy ra khi nào? Ở đâu?

– Mình biết gì về nó?

– Làm sao biết được những thông tin này có chính xác hay không?

– Ai là những người có liên quan?

– Ai là người có trách nhiệm trong phần việc này hay phần việc kia của vấn đề?

Việc đặt câu hỏi và thu thập thông tin giúp bạn giữ bình tĩnh, củng cố lòng can đảm và sự tự tin của bạn.

Bạn càng thu được nhiều thông tin xác thực, bạn càng dễ dàng ra được những quyết định chính xác để giải quyết vấn đề và vượt qua khó khăn.

5. Ghi chú

Như tôi đã chia sẻ ở bước trên, hãy luôn bắt đầu bằng câu hỏi “Vấn đề thực sự là gì?”. Nếu bạn phải tự mình giải quyết vấn đề, hãy ghi chú những câu trả lời có tính chất miêu tả vấn đề lên một mảnh giấy.

Bạn sẽ ngộ ra rằng một khi mình có thể diễn đạt được vấn đề bằng văn viết hay ngôn từ, vấn đề sẽ mỗi lúc một hiện nguyên hình rõ ràng hơn, giải pháp cũng theo đó mà được tiết lộ dần. Khi đó, hãy viết ra mọi giải pháp khả dụng mà bạn có thể nghĩ đến để giải quyết vấn đề.

Bạn cũng sẽ nhận ra rằng sau khi mình viết ra được cả vấn đề lẫn các giải pháp có thể có, bạn sẽ nhận diện được cách thức tốt nhất và nhanh nhất để hóa giải mọi sự. Một khi bạn viết và miêu tả được vấn đề cùng các giải pháp của nó, nó bỗng dưng được bình thường hóa, không còn đáng lo như bạn nghĩ.

6. Thử làm điều gì đó mới mẻ

Sau khi đã ghi chú vấn đề và các giải pháp, hãy cho phép bản thân mình được thử một phương án nào đó mới lạ hơn thói quen trước giờ của bản thân, hoặc chọn một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với việc giải quyết vấn đề. Nhiều khả năng là bạn sẽ tìm thấy được cho mình một phương án tối ưu không ngờ đến, vừa khả dụng lại vừa mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả mọi người, bao gồm cả bạn.

Mỗi khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, việc bạn có khả năng sáng tạo và tìm ra được những cách giải quyết đột phá so với các thông lệ cũ mèm chính là chiếc chìa khóa đảm bảo “đường dài mới biết ngựa hay,” tức giúp bạn duy trì được mọi thành quả của mình dài lâu và bền vững.

7. Giao tiếp với những người xung quanh

Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề cùng với bạn đời hay những người thân, người bạn mà bạn tin cậy, đây chính là một giải pháp hiệu quả giúp bạn luôn bình tĩnh và vững tin. Hãy cùng nhau dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm tình huống, nhìn nhận từ nhiều góc độ của bản thân bạn lẫn những người xung quanh và tìm ra cách giải quyết tối ưu. Hãy luôn lạc quan bất kể hoàn cảnh!

Mọi sự trên đời đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, và vấn đề của bạn chắc chắn không ngoại lệ. “Lùi một bước, tiến ba bước” – hầu hết mọi khó khăn hay thất bại mà bạn gặp kỳ thực đều là những cánh cửa thần kỳ mở ra cho bạn những cơ hội mới ngoài sức tưởng tượng của bạn. Thậm chí, đôi khi thất bại của công việc hay dự án mà bạn đang tiến hành lại chính là Điều Bạn Cần Nhất lúc đó, để bạn có cơ hội được nhìn lại bản thân cũng như những gì đã qua, thúc giục bạn thay đổi, nhận ra đâu là những điểm mình cần cải thiện hoặc tiến bộ hơn, để từ đó, bạn xác định được cho mình hướng đi mới tốt đẹp và đáng đầu tư hơn.

8. Ra quyết định

Không cần biết điều tốt xấu gì đã xảy ra với bạn, hãy luôn rút ra được cho mình những bài học kinh nghiệm có giá trị trong mọi hoàn cảnh bạn gặp phải!

Mỗi một vấn đề bạn đối mặt trên đường đời đều tiềm ẩn trong nó những hạt giống gieo mầm cho những ưu thế hoặc lợi ích lớn lao hơn về sau. Khi bạn tập được cho mình thói quen nhìn ra, tiếp nhận mặt tích cực của vấn đề và rút kinh nghiệm sau mỗi lần vấp ngã, bạn nghiễm nhiên trở nên bình tĩnh, chín chắn, lạc quan, và tốt đẹp hơn trước.

Kết quả là mọi nguồn lực và năng lượng bạn cần để giữ cho tâm trí mình sáng suốt sẽ hiện hữu đầy đủ bên bạn từ trong ra ngoài, và việc bạn tìm ra được giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề sẽ là tất yếu.

9. Tiếp tục bận rộn với công việc mình đang làm

Hãy nhớ, bạn bận rộn KHÔNG phải để trốn tránh vấn đề hay dư luận. Bạn cũng không được để cho những vấn đề khó khăn đó kéo mình xuống vũng lầy của quá khứ và sự trì trệ.

Bạn bận rộn vì tập trung vào giải pháp: giải quyết mọi sự một cách tuần tự, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên và tiến về phía trước. Làm được như vậy, bạn sẽ chẳng còn thời gian rảnh để mà lo nghĩ về vấn đề cũng như những khó khăn xoay quanh nó. Thuốc chữa đích thực và duy nhất cho mọi sự lo âu muộn phiền trên đời chính là hành động có ý nghĩa, trên cơ sở những định hướng và mục tiêu cuộc đời mà bạn đã đề ra cho bản thân.

Đừng ngồi một chỗ than vãn, trách cứ hay nghi ngờ bản thân mình. Thay vào đó, bạn hãy hành động để giải quyết khó khăn và giúp cho bản thân mình trưởng thành hơn. Hãy luôn nhắc nhở bản thân mình rằng mọi vấn đề trên đời ập đến không phải để cản bước hay gây khó khăn cho bạn, mà chúng xuất hiện chính là để hướng dẫn bạn, chỉ cho bạn biết mình cần phải cải thiện hay khắc phục điều gì để được trưởng thành, hạnh phúc và thành công hơ

Nguyễn Sinh