Cao su Việt Nam cần tìm hướng đi mới trong cuộc chiến tranh thương mại Trung Mỹ

Cập nhật: 00:45 | 08/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang đã gây áp lực xấu lên giá cao su, khiến giá cao su trên thế giới và thị trường trong nước liên tục giảm.  

Trong hơn một tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau bán tháo rất nhiều mặt hàng, trong đó có lốp cao su, đồng thời giảm nhập nguyên liệu mủ cao su. Giá cao su tại Sở giao dịch TOCOM ở Tokyo, Nhật Bản tính đến 30/7/2018 giảm 3% so với cùng kì tháng 6 xuống dưới ngưỡng 1.400 USD/tấn.

cao su viet nam can tim huong di moi trong cuoc chien tranh thuong mai trung my
Ảnh minh họa

Còn tại Việt Nam trong tháng 7, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.347 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 6. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.453 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại thị trường trong nước, giá cao su SVR CV đã giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg, giá cao su SVR L ở mức 37.700 đồng/kg. Từ nay đến hết năm, các chuyên gia kinh tế lo ngại, xu hướng giá thấp sẽ còn duy và khả năng cao giá mủ sẽ chỉ xoay quanh mức từ 36 đến 37 triệu đồng/tấn.

Việc phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu với Trung Quốc lại đang trở thành vấn đề hết sức bức thiết trong tình cảnh hiện nay. Bởi điều mà các chuyên gia lo ngại nhiều nhất lại không phải là giá giảm mà chính là tỷ lệ hơn 63% khối lượng cao su của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thừa nhận rằng, không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng để thật sự giảm những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua thì phương thức giao bán cần phải hiện đại hơn nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau.

Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ và Đức đã tăng nhanh hơn, được giá cao hơn so với bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên ở các thị trường này đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp... trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu này.

Như vậy rõ ràng, "nút thắt" trong chiến lược phát triển thị trường của cao su Việt Nam nằm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để trên cơ sở đó có thể tìm kiếm đa dạng các bạn hàng. Chúng ta cần tập trung gỡ nút thắt này để tìm thị trường mới cho cao su.

Minh Dương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm