Hà Nội triệt để xử lý những vấn đề tồn trọng trong xây dựng

Cập nhật: 13:07 | 29/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKCN - “Cần đẩy nhanh xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc để làm công cụ quản lý lĩnh vực này. Sớm triển khai quy hoạch cải tạo các chung cư cũ bởi đây là lĩnh vực rất khó và vướng nhiều cơ chế chính sách”…  

Đó chính là mục tiêu quan trọng mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ với báo chí sau những nỗ lực xử lý triệt để những công trình xây dựng vi phạm trong thời gian vừa qua tại Thủ đô.

ha noi triet de xu ly nhung van de ton trong trong xay dung
Hà Nội kiên quyết xử lý triệt để các công trình sai phạm về xây dựng (ảnh minh họa)

Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 100% các công trình xây dựng (15.299 công trình) và lập hồ sơ vi phạm 824 trường hợp (5,39%) giảm 867 trường hợp (51,27%) so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, số công trình xây dựng không phép được phát hiện là 287 trường hợp (giảm 55,57%) và xây dựng trên đất nông nghiệp là 308 trường hợp (giảm 55,81%)… Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra mới đây.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đối với 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ nhiều năm, đến tháng 4/2018 đã xử lý được 12 trường hợp; chấp thuận hợp khối kiến trúc mặt đứng với các công trình liền kề hoặc cấp phép có điều kiện, đảm bảo không gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị đối với 88 trường hợp và tiếp tục xử lý, thu hồi phục vụ mục đích công cộng đối với 32 trường hợp không đủ điều kiện. Mặt khác, với 552 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã giải quyết được 493 công trình, đạt tỷ lệ gần 90%, số còn lại đang tiếp tục xử lý đối với 59 trường hợp và dự kiến xong trong năm 2018.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các vi phạm tồn đọng đã có chuyển biến tích cực. Đại diện lãnh đạo huyện Đông Anh cho hay, huyện đã chủ động lập quy hoạch 23 trung tâm xã với 155 điểm dân cư nông thôn. Trong số đó, 14 điểm đã có quy hoạch chi tiết 1/500, 46 điểm gắn với các dự án đầu tư của thành phố. Liên quan tới công tác quản lý trật tự xây dựng, huyện đã yêu cầu các xã, phòng, ban, đơn vị thực hiện nghiêm túc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, còn tổ chức lại các tổ thanh tra xây dựng để thực hiện kiểm tra, báo cáo các vụ việc phát sinh hàng ngày trực tiếp về huyện. Đồng thời, bố trí ghi hình các điểm vi phạm để lập hồ sơ và lên kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm vi phạm.

Còn theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, để xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, UBND huyện sẽ tổ chức các cuộc họp giao ban với các xã và chỉ đạo đội quản lý trật tự xây dựng cùng các phòng ban trực tiếp kiểm tra hiện trạng, ghi hình các trường hợp vi phạm để phát lại tại các buổi kiểm điểm tiến độ xử lý vi phạm. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Để tồn đọng 3 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng sẽ phải báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy xem xét trách nhiệm và nếu cố tình chậm xử lý, UBND huyện sẽ báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy tạm đình chỉ điều hành chung của chủ tịch xã.

Bí thư Hoàng Trung Hải đánh giá công tác quy hoạch, quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực, số công trình vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm mạnh. Nhằm đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố khẩn trương phê duyệt, bàn giao các quy hoạch tới quận, huyện để thực hiện.

Đức Hậu