Lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ nguồn nào?

Cập nhật: 16:18 | 25/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Các ngân hàng đang rầm rộ báo lãi 3 quý đầu năm với những con số ấn tượng và dự kiến nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm.

loi nhuan ngan hang chu yeu den tu nguon nao Những yếu tố 'nâng bước' lợi nhuận ngân hàng trong quý III/2018
loi nhuan ngan hang chu yeu den tu nguon nao Động lực nào thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2018

Bên cạnh nguồn thu chính từ tín dụng, mảng dịch vụ cũng dần cải thiện để đóng góp vào lợi nhuận chung.

Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm nay vừa được VPBank công bố đạt 6.125 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 22.100 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 11.000 tỷ đồng, vượt mức lợi nhuận năm 2017 và sắp chạm đích kế hoạch cả năm 2018, dù không nới chỉ tiêu tín dụng.

loi nhuan ngan hang chu yeu den tu nguon nao
Ảnh minh họa

Tại MB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6.014 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.688 tỷ đồng và hơn 50% đến từ hoạt động bảo hiểm với khoản lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Nguồn thu lớn nhất của MB là thu nhập lãi thuần với 10.430 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MB đạt 343.850 tỷ đồng, tăng 9,55% so với đầu năm; tăng trưởng cho vay và huy động vốn từ khách hàng đạt 204.885 tỷ đồng và 232.638 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,2% và 5,66%.

Về mảng dịch vụ, LienVietPostBank ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong 9 tháng qua, với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 83 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đến từ quý III.

Mặc dù lợi nhuận 9 tháng đầu năm cải thiện, song không ít nhà băng vẫn "ngậm ngùi" vì dự phòng rủi ro bào mòn lợi nhuận do nợ xấu còn ở mức cao.

Cụ thể, tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý III/2018 của Sacombank đạt 318 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ chủ yếu do trích lập chi phí dự phòng rủi ro tăng 4,7 lần, lên mức 664 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 67,5%.

Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của Ngân hàng là 8.067 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay, cho dù đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 22%). Trong đó, nợ xấu của Ngân hàng mẹ Sacombank là 2,98% tổng dư nợ.

Theo đó, Saigonbank báo lãi trước thuế 122 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2018 chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 2 lần lên 158 tỷ đồng và thu nhập lãi thuần giảm 4,7% xuống 482 tỷ đồng.

Tại VietABank, trong quý III/2018, nhờ thu nhập từ tín dụng tăng cao, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 2,4 lần cùng kỳ, đạt 223 tỷ đồng.

Với SCB, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được nhà băng này duy trì ở mức thấp trong 9 tháng đầu năm nay, lần lượt là 0,94% và 0,52%.

Nhờ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, SCB tính đến cuối tháng 9/2018 đạt 575 tỷ đồng, cao hơn 24% so với thực hiện cả năm 2017.

Các ngân hàng không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng sẽ phải phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Mặt khác, chi phí dự phòng của ngân hàng trong thời gian qua được cho là trích lập thấp nên chưa tác động nhiều lên lợi nhuận.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 9 vừa qua cho thấy, dự kiến đến cuối năm 2018, có 88,3% tổ chức tín dụng nhận định lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017; 5,3% kỳ vọng lợi nhuận “không đổi” và 6,4% lo ngại lợi nhuận “suy giảm”.

Tính chung, lợi nhuận toàn hệ thống có thể tăng bình quân 18,63% trong năm 2018, thấp hơn so với mức kỳ vọng 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6.

Hoài Dương