Năm 2017: Mặt bằng lãi suất có thay đổi?

Cập nhật: 09:44 | 30/12/2016 Theo dõi KTCK trên

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017, việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, các chuyên gia cho rằng duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm là rất khó.


Thực tế, trong thông cáo về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2017 vừa được phát đi, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.

Theo dự báo của các chuyên gia tài chính ngân hàng, năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất ngân hàng. Theo phân tích, năm 2017, tỷ giá được dự báo có nhiều áp lực tăng hơn so với năm nay.

Lãi suất sẽ tăng nhưng không nhiều

Đầu tiên là từ sự tăng giá của đồng USD do FED nâng lãi suất đồng USD, (dự kiến sẽ nâng ba lần trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khả năng thâm hụt thương mại trong năm tới có thể tăng lên rất nhiều, dự báo khoảng 4 – 5 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, với mối quan hệ chặt chẽ với lãi suất, việc giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rất quan trọng. Khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được.

Hai là, đối với các ngân hàng, những quy định của Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ là 50% vào năm 2017, buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn…

Ba là, thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng đang nhích lên và có xu hướng vượt qua đáy. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đang có thiên hướng đi lên. Cùng với yếu tố tăng lương cơ bản trong năm tới sẽ khiến tình hình lạm phát tăng.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia đánh giá, năm 2017 điều hành chính sách lãi suất quả là khó khăn. Thậm chí, lãi suất có thể tăng từ 1% hoặc nhiều nhất là 2%, tùy thuộc vào sự điều hành của ngân hàng trung ương.

Vì thế, các chuyên gia hy vọng, NHNN chỉ có thể duy trì được mức lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay chứ không thể giảm thêm.

Thực tế, theo quy luật những năm trước, mặt bằng lãi suất huy động sẽ điều chỉnh tăng trong tháng cuối cùng của năm 2016, năm 2017, các NHTM đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn.


nam 2017 mat bang lai suat co thay doi

Năm 2017: Mặt bằng lãi suất có thay đổi?


Nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng khoảng 0,2-0,3% vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, trong đó phải kể đến là ngân hàng BIDV, Agribank hạ từ 0,1% – 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần lại có mức lãi suất huy động hạ ở mức thấp hơn như VietCapitalBank chính thức áp dụng biểu lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng bị điều chỉnh giảm 0,05%. Tương tự, Sacombank cũng thông báo giảm 0,1% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng, lần lượt ở mức 4,9% và 5,2%/năm. Ngoài ra, còn có các ngân hàng như Sacombank, Bản Việt… cũng có mức giảm khoảng 0,1%/năm.

Hệ thống ngân hàng sẽ ổn định

Tại buổi gặp cuối năm giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các đại sứ quán, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng năm 2016, có những biến động bên ngoài tác động đến thị trường tài chính trong nước, dưới sự điều hành một cách chủ động và hiệu quả của NHNN, trường ngoại hối vẫn luôn giữ vững sự ổn định.

Đặc biệt, biến động của tỷ giá do tác động Brexit, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và gần đây nhất là Fed tăng lãi suất, nhưng tỷ giá trong nước vẫn tránh được cú sốc cho toàn hệ thống.

“Đó là nhờ NHNN đã thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá sang điều hành tỷ giá trung tâm theo ngày để cho phép sự chuyển động của thị trường ngoại tệ linh hoạt và phù hợp hơn về cung – cầu”, ông Hải nhận xét.

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo công bố đầu tháng 12 mới đây của Moody’s, khi tổ chức này khẳng định hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ ổn định trong năm tới.

Một chuyên gia tài chính khác nhận định, sở dĩ thu nhập từ lãi của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay do ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng giảm lãi suất huy động từng kỳ hạn khá nhịp nhàng theo nhu cầu vốn của thị trường.

Mặt bằng lãi suất cũng ổn định và giảm dần, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đi vay và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Cung tiền được quản lý một cách thận trọng cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, tại Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa mục tiêu sẽ kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm. Mục tiêu này liệu có khả thi?

Theo các chuyên gia, mặt bằng này không thể giảm được nữa trong thời gian tới. Trên thực tế, so với những năm trước, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng hiện là khá thấp, thậm chí còn thấp hơn mặt bằng chung huy động vốn.

Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên vẫn xoay quanh ở mức 6 – 7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.



Theo Thời báo Kinh doanh

Tin liên quan