Những yếu tố 'nâng bước' lợi nhuận ngân hàng trong quý III/2018

Cập nhật: 11:25 | 14/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa có báo cáo nhận định về ngành ngân hàng. Theo đó, dù tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng lợi nhuận ngân hàng quý III/2018 được dự báo vẫn tăng mạnh nhờ lãi suất cho vay tăng.  

nhung yeu to nang buoc loi nhuan ngan hang trong quy iii2018 Ngân hàng không dễ giảm lệ thuộc vào tín dụng
nhung yeu to nang buoc loi nhuan ngan hang trong quy iii2018 Cuộc rượt đuổi lợi nhuận ngân hàng 2017
nhung yeu to nang buoc loi nhuan ngan hang trong quy iii2018 Tổng lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm ước đạt 47.000 tỷ đồng

Theo HSC, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng gần đây giảm tốc độ sau khi đã tăng khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do lo ngại về lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng không được cho vay quá nhiều đối với các ngành có rủi ro cao như phát triển bất động sản, cho vay tiêu dùng và chứng khoán. Cùng với đó là giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 15% thay vì có động thái điều chỉnh tăng hạn mức này cho một số ngân hàng như trong những năm trước.

HSC dự báo LNTT 9 tháng đầu năm của 13 ngân hàng đã niêm yết mà công ty này theo dõi sẽ tăng 41% so với cùng kỳ dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 11%. Theo HSC, dù tăng trưởng tín dụng chậm lại, các yếu tố khác đã giúp hỗ trợ tăng trưởng LNTT.

nhung yeu to nang buoc loi nhuan ngan hang trong quy iii2018
Ảnh: Nguồn Internet

Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng là thu nhập không thường xuyên, chẳng hạn như Vietcombank từ thanh lý tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập hoàn toàn và Techcombank từ chuyển nhượng mảng tài chính tiêu dùng. Ngoài ra còn có thu nhập không thường xuyên đến từ việc thoái vốn khỏi các ngân hàng nhỏ.

Theo khảo sát lãi suất hàng tháng của HSC, lãi suất tiền gửi VND bình quân đã tăng 0,06% trong tháng 9 lên 6,24%. Mức tăng của tháng 9 đã hoàn toàn bù trừ với mức giảm trong những tháng trước và lãi suất tiền gửi bình quân hiện quay về mức tương đương vào cuối năm 2017.

Ở từng ngân hàng, HSC ước tính mức tăng lãi suất tiền gửi đáng chú ý nhất gồm: Vietcombank và LienVietPostBank đã nâng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và nâng 0,1% lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn dài; VPBank nâng lãi suất tiền gửi mạnh hơn với lãi suất kỳ hạn ngắn tăng 0,4%, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% còn kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0,1%; MB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn (từ 1-9 tháng) thêm 0,1-0,5%; Techcombank và PVcomBank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,2%.

Đáng chú ý, OCB nâng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thêm 0,5% mặc dù giảm nhẹ lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn ngắn (từ 0,1-0,2%). Hiện HDBank và DongABank đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn ngắn (1-4 tháng) cao nhất là 5,5%. Còn Ngân hàng Bản Việt đang có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cao nhất, là 7,4-7,8% cho kỳ hạn 6-9 tháng và 8-8,6% cho kỳ hạn 12-36 tháng.

Trong khi đó, lãi suất cho vay VND bình quân tăng 0,25% lên 9,5% trong tháng 9 từ 9,25% trong tháng 8.

HSC ước tính một số ngân hàng có thể đã nâng lãi suất cho vay trong tháng 9. Chẳng hạn như Agribank nâng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm 0,2% và trung dài hạn thêm 0,7- 1,3%; Sacombank và VPBank nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm 0,5-1%; Techcombank nâng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,2% ở tất cả các kỳ hạn; MB điều chỉnh tăng 0,95% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn; ACB nâng 0,2-0,7% lãi suất cho vay trung dài hạn.

Theo đó, HSC dự báo nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho cả hệ thống là khoảng 16%.

Hoài Dương