TP.HCM: Chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất công

Cập nhật: 17:01 | 03/12/2018 Theo dõi KTCK trên

Trong thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai có nơi còn buông lỏng, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý như người dân lấn chiếm, sử dụng đất công; nhiều tổ chức thuê đất nhà nước có sai phạm nhưng chậm xử lý; cho thuê, mượn trái thẩm quyền, đất cấp cho dự án nhưng chậm tiến độ xây dựng…

tphcm chan chinh cong tac quan ly va su dung dat cong Lãng phí đất công: Trách nhiệm thuộc về ai?
tphcm chan chinh cong tac quan ly va su dung dat cong Đất công và chuyện đưa đất công lên sàn
tphcm chan chinh cong tac quan ly va su dung dat cong Hàng loạt nhà đất công tại TP HCM bị lãng phí

Theo một lãnh đạo UBND H.Bình Chánh (TP.HCM), năm 2016 trên địa bàn huyện này phát hiện trên 800 trường hợp vi phạm xây dựng. Tháng 3/2017, H.Bình Chánh đã ký liên tịch với Sở Xây dựng về xử lý điểm nóng vi phạm xây dựng. Sau hơn 1 năm thực hiện đã giảm được 60%, khoảng 500 trường hợp. Bình Chánh được xem là điểm nóng về vi phạm xây dựng. Không những vậy, tình trạng người dân tự phân chia đất nông nghiệp xây dựng nhà “ba chung” diễn ra rất phổ biến khiến công tác kiểm tra, xử phạt vô cùng gian nan.

“Bình Chánh có 39 điểm dân cư nông thôn, nhưng đến nay mới được duyệt quy hoạch 3 điểm, còn 36 điểm đang trình. Tại đây quy hoạch rất khó khăn vì diện tích nông nghiệp quá lớn, tới 16.000 ha. Nhà dân có trong 3 điểm quy hoạch dân cư nông thôn thì huyện vẫn cấp phép xây dựng bình thường. Đối với những điểm còn lại đang rất lúng túng”, vị này cho biết.

Tại huyện Củ Chi, trước đó, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TPHCM về công tác quản lý và sử dụng đất, huyện có hơn 500 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích trên 5.000 ha; qua kiểm tra phát hiện có 27 tổ chức vi phạm pháp luật đất đai với hơn 736ha.

Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra của huyện Củ Chi, phát hiện có hơn 1.000 trường hợp người dân lấn chiếm, sử dụng đất công từ nhiều năm nay. Hiện tồn tại trên 230 địa chỉ nhà đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa kê khai, chưa đưa vào danh sách xử lý theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ).

tphcm chan chinh cong tac quan ly va su dung dat cong
Dự án xã Phước Kiển (Nhà Bè) sau hơn 10 năm vẫn còn là vùng cỏ dại mọc rậm rạp

Tại huyện Nhà Bè, tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, nhiều dự án, công trình xây dựng dở dang gây nên tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai. Ví dụ như khu nhà ở xã Phước Kiển do Công ty CP Đầu tư Minh Thành làm chủ đầu tư, khu dân cư xã Phước Kiển do Công ty TNHH MTV ĐTXD Tân Thuận làm chủ đầu tư; khu dân cư xã Phước Kiển do Công ty CP Phát Đạt làm chủ đầu tư, hiện các dự án nhà ở chủ đầu tư bồi thường dở dang nhưng đã hết chủ trương đầu tư.

Hoặc có dự án bồi thường dở dang kéo dài như dự án Khu nhà ở Thanh Niên xã Phước Lộc có quy mô 35ha bắt đầu triển khai từ năm 2001, nhưng đến nay còn khoảng 9.000m2 chưa thỏa thuận bồi thường được với dân, phần diện tích chưa bồi thường trong tình trạng “da beo” nên chủ đầu tư cũng không thể xin điều chỉnh quy mô dự án…

Cũng theo huyện Nhà Bè thì tình trạng giá bồi thường tại các dự án nhà ở cũng còn nhiều bất cập, nhiều nhà đầu tư xí đất rồi không hoặc chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất rất lớn; giá bồi thường chênh lệch với giá thực tế ngoài thị trường gây bức xúc, khiếu nại trong nhân dân…

Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết huyện đã báo cáo, kiến nghị UBND TP.HCM cần có chính sách tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường và quy trình triển khai dự án để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng; có quy định, chế tài, giám sát chủ đầu tư; kiến nghị các cơ quan cấp trên cho phép lập phương án bồi thường, thu hồi đất đã thỏa thuận diện tích lớn; kiên quyết thu hồi những dự án mà chủ đầu tư yếu năng lực.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết quy định tại Nghị định 139 của Chính phủ lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh sẽ bị buộc tháo dỡ công trình, phần xây dựng vi phạm…

Tuy nhiên, luật lại không quy định biện pháp chế tài nếu tổ chức cá nhân không chấp hành việc dừng thi công xây dựng công trình. “Công trình vi phạm sớm hay muộn đều phải bị cưỡng chế nên không nhất thiết phải cho người vi phạm thời hạn 60 ngày để làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng. Đồng thời người vi phạm có thể có hành vi tiếp tục thi công công trình. Do đó cần sửa quy định này”, ông Bình kiến nghị.

Ngoài ra, hiện nay tình trạng phát sinh xây dựng sai phép, không phép là những nhà có biệt thự hoặc nguồn gốc biệt thự bởi theo quy định thì biệt thự không được xây dựng, tách thửa. “Hiện nay cứ là biệt thự là không được cấp phép mới mà chỉ cho sửa chữa theo hiện trạng. Dân bức xúc, than trời”, lãnh đạo UBND Q.Phú Nhuận cho hay.

Theo báo cáo của Phòng tài nguyên & Môi trường, tại huyện Củ Chi, hiện nay UBND huyện gặp khó khăn trong việc thu hồi đất đối với các tổ chức kinh tế không còn sử dụng đất hoặc để thực hiện dự án với lý do: từ năm 2013 khi Luật đất đai có hiệu lực, UBND huyện Củ Chi chưa thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các tổ chức nước ngoài hoạt động trên địa bàn huyện nên trình tự, cách tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn cần sự hướng dẫn của các sở, ngành.

Tùy vào các dự án cần thu hồi hay chờ thực hiện mà đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi, ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thu hồi hoặc tạm thời cho thuê đất tạo nguồn thu, tránh tình trạng lấn chiếm trái phép hoặc gây lãng phí quỹ đất.

Hải Nam

Theo thuonghieucongluan.vn