ACV trích lập 100% dự phòng nợ xấu cho Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines

Cập nhật: 08:48 | 03/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Tính đến cuối quý I/2024, nợ xấu của ACV tăng mạnh thêm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 7.500 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Công ty CP (UPCOM: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi.

Chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng kỳ này do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. ACV vay nợ chủ yếu bằng yên Nhật. Trong quý 1/2024, đồng yên mất giá so với VND so với đầu năm trong khi quý I/2023 đồng yên lại mạnh hơn so với VND đầu 2023 là yếu tố giúp ACV chuyển từ lỗ sang có lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ.

Kết quả, ACV lãi sau thuế 2.921 tỷ đồng, tăng 79% so với quý 1/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 79% lên 2.917 tỷ. Đây là con số lợi nhuận quý cao kỷ lục của ACV.

Tại ngày 31/4/2024, quy mô tài sản cuối quý 1 của ACV ghi nhận 67.059 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 26.591 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm. Với khoản tiền gửi dồi dào giúp ACV mang về 346 tỷ lãi tiền gửi quý đầu năm, giảm 15% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất xuống thấp.

Nợ xấu tăng mạnh thêm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 7.500 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.

“Khó” nhất là khoản nợ của Bamboo Airways hơn 2.184 tỷ đồng đã phải trích lập dự phòng 100%. Ngoài ra, còn khoản nợ 901 tỷ đồng của Pacific Airlines và gần 300 tỷ đồng của Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cũng phải trích lập dự phòng 100%.

ACV trích lập 100% dự phòng nợ xấu cho Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024

Báo cáo cũng ghi nhận tổng tiền đổ vào dự án xây dựng cảng hàng không Long Thành đã hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 368 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền đổ vào dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất hơn 2.000 tỷ đồng.

ACV trích lập 100% dự phòng nợ xấu cho Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024

Cuối quý 1, ACV vay nợ tổng cộng gần 10.244 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn, tài trợ bởi nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Như đã đề cập ở trên, biến động tỷ giá yen Nhật so với VND sẽ tác động nhiều tới khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá của ACV và cũng gây ra sự biến thiên lợi nhuận của đơn vị này.

Trong khi đó, do được vay bằng nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nên chi phí lãi vay của ACV rất thấp, chưa tới 15 tỷ trong quý I.

Vốn chủ sở hữu của ACV tại ngày 31/3 là 53.010 tỷ, bao gồm 25.136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 6.000 tỷ ở quỹ đầu tư phát triển.

Hàng loạt gói thầu lớn sắp được triển khai tại dự án sân bay Long Thành

Theo thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP, sẽ có thêm 5 gói thầu thuộc dự án được đấu thầu trong quý II và quý III/2024. Theo đó, các gói thầu sẽ được đấu thầu chọn nhà thầu trong thời gian tới gồm có gói thầu 4.7, 4.8, 4.9, 7.8 và 11.5.

3614-phoi-canh-sb-long-thanh-2
Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung

Với gói thầu 4.7 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay và các công trình khác, đến nay đã hoàn thành công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật, đang phê duyệt thiết kế và tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2026.

Gói thầu 4.8 - thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không cũng đã thẩm định xong thiết kế kỹ thuật, dự kiến hoàn thành vào tháng 07/2026.

Đối với gói thầu số 4.9 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay, đang được lựa chọn nhà thầu để khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 05/2026.

Cả 3 gói thầu 4.7, 4.8 và 4.9 trên dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 07/2024.

Còn với gói thầu số 7.8 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hàng hóa số 1 và công trình phụ trợ còn lại (dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 05/2026); và gói thầu số 11.5 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà để xe (dự kiến hoàn thành vào tháng 08/2026) cả 2 gói thầu đều đang triển khai thiết kế kỹ thuật và dự kiến khởi công vào tháng 01/2025.

Được biết, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, lãnh đạo Vietcombank đã chia sẻ thông tin về việc 3 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV sẽ ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, trong năm 2024, 3 ngân hàng trên dự kiến sẽ ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án Sân bay Long Thành với quy mô lên tới 1,8 tỷ USD. Theo lãnh đạo Vietcombank, nếu 3 ngân hàng này không thu xếp vốn cho vay thì nhiều hạng mục xây dựng dự án Sân bay Long Thành sẽ chưa thể sớm khởi công để triển khai thi công.

Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD. Dự án có 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng.

Nợ xấu gia tăng, bộ đệm dự phòng suy yếu, ngân hàng cần ứng xử ra sao?

Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn trong thời gian tới, theo đó nợ xấu sẽ chỉ được đẩy về tương lai chứ không ...

Xây dựng Hòa Bình (HBC) thoát lỗ quý I, trích lập dự phòng nợ xấu gần 2.400 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 ngay trong ngày tổ ...

CEO Sacombank nói về dư nợ với Bamboo Airways, LDG - 2 doanh nghiệp có Chủ tịch vướng vòng lao lý

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết, những khoản nợ xấu, tài sản tồn đang được ngân hàng này quyết ...

Tiểu Vy