SCIC “đi lùi” lợi nhuận hợp nhất 63%, chấp nhận từ bỏ một số dự án đầu tư tham vọng

Cập nhật: 10:38 | 04/07/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo báo cáo hợp nhất 2022 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), lợi nhuận sau thuế của SCIC chỉ đạt 3.074 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

SCIC “đi lùi” lợi nhuận hợp nhất 63%, chấp nhận từ bỏ một số dự án đầu tư tham vọng
Ảnh minh họa.

Cụ thể, doanh thu của Tổng công ty đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu đến từ doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và chiếm đến 75% doanh thu của SCIC. Doanh thu còn lại đến từ doanh thu bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng và doanh thu cho thuê BĐS và khác đạt 9,6 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn của SCIC là 3.695 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2021. SCIC phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 3.419 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp giảm 27% so với cùng kỳ đạt 6.365 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, SCIC lãi thuần 6.183 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết năm 2022 lên tới 3.109 tỷ đồng, gấp gần 15 lần năm 2021 nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SCIC chỉ đạt 3.074 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

SCIC hiện nay có 1 công ty con là công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (100%) và 5 công ty liên kết: CTCP Cảng quốc tế Lào – Việt (27%); CTCP Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%).

Khoản lỗ lớn nhất đến từ Vietnam Airlines khi Hãng hàng không quốc gia lỗ hơn 10.453 tỷ đồng trong năm 2022 và âm vốn chủ sở hữu 10.119 tỷ đồng (theo BCTC quý 4/2022 chưa kiểm toán). Giá trị tài sản thuần của VNA theo sổ sách tính theo phần sở hữu của Tổng công ty tại ngày 31/12/2022 âm 3.337 tỷ đồng.

Như vậy, nhìn vào cơ cấu nguồn thu của SCIC có thể thấy Nhà đầu tư của Chính phủ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào danh mục đầu tư với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà SCIC quản lý vốn thông qua hưởng cổ tức và lợi nhuận được chia, một phần khác đến từ thoái vốn tại các doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư của SCIC vẫn rất mờ nhạt, thậm chí Tổng công ty này còn phải từ bỏ các dự án từng được kỳ vọng. Đơn cử, trong tháng 7/2022, SCIC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ vốn cổ phần tại CTCP Thuốc ung thư Benovas và tháng 11/2022, SCIC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ vốn cổ phần tại CTCP Hạ tầng Bất động sản Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, tại buổi tổng kết gần đây, lãnh đạo SCIC cho biết, đang nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như: Đầu tư tái cơ cấu Bệnh viện Giao thông vận tải, xây dựng cơ chế sử dụng Quỹ khoa học và Công nghệ, dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (bên trong Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), dự án Cảng Cái Mép Hạ, phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, SCIC tăng cường tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn của SCIC trong việc triển khai các dự án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Việc đầu tư mới dừng ở nghiên cứu cơ hội, và thực tế phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại cũng đã được SCIC nhắc đến nhiều lần nhưng thực tế hầu như không triển khai được.

Câu hỏi đăt ra là việc “nhà đầu tư của Chính phủ” khó đầu tư có lý do nào khác hay do sự thiếu quyết liệt và sợ trách nhiệm của SCIC?

Năm 2023, định hướng hoạt động của SCIC khá chung chung, tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từng bước thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm.

Yến Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm